Hà nội nên lắp đặt trạm quan trắc môi trường không khí tự động như thế nào?

27/10/2017 14:58:03


THỰC TRẠNG Ô NHIỄM KHÔNG KHÍ TẠI HÀ NỘI

Ô nhiễm môi trường không khí đang là một vấn đề bức xúc đối với môi trường đô thị, công nghiệp và các làng nghề ở nước ta hiện nay. Ô nhiễm môi trường không khí có tác động xấu đối với sức khoẻ con người (đặc biệt là gây ra các bệnh đường hô hấp), ảnh hưởng đến các hệ sinh thái và biến đổi khí hậu (hiệu ứng "nhà kính", mưa axít và suy giảm tầng ôzôn),... Công nghiệp hoá càng mạnh, đô thị hoá càng phát triển thì nguồn thải gây ô nhiễm môi trường không khí càng nhiều, áp lực làm biến đổi chất lượng không khí theo chiều hướng xấu càng lớn, yêu cầu bảo vệ môi trường không khí càng quan trọng.

Theo Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia năm 2013 và 2015, trong khoảng 5 năm trở lại đây, chất lượng không khí đô thị chưa có nhiều cải thiện so với giai đoạn trước (2006-2010). Bằng chứng là chỉ số chất lượng không khí (AQI) vẫn duy trì ở mức tương đối cao. Số ngày có AQI ở mức kém (AQI = 101 ÷ 200) trong giai đoạn từ 2010 - 2015 chiếm tới 40-60% tổng số ngày quan trắc trong năm, thậm chí có những ngày chất lượng không khí đã suy giảm đến ngưỡng xấu (AQI = 201 ÷ 300) và nguy hại (AQI>300) [2]. Năm 2014, số ngày có AQI ở mức kém vẫn chiếm tỉ lệ hơn 50% tổng số ngày quan trắc trong năm, đặc biệt tại nhiều khu vực nội thành, nội thị của các đô thị lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, chất lượng không khí rất đáng quan ngại khi số ngày trong năm có nồng độ bụi chiếm tỉ lệ cao và số người mắc các bệnh liên quan đến hô hấp ngày càng tăng mạnh, đặc biệt ở đối tượng trẻ em. Hiện có nhiều phương pháp đánh giá chất lượng không khí như đánh giá trực tiếp thông qua số liệu quan trắc, mô hình hóa, chỉ số chất lượng không khí hay đánh giá gián tiếp qua kiểm kê phát thải, bộ chỉ thị môi trường... Những năm gần đây, xu hướng đánh giá chất lượng không khí ở Hà Nội thường sử dụng đồng thời các phương pháp đánh giá chất lượng không khí thông qua chỉ tiêu riêng lẻ (phương pháp đánh giá truyền thống - so sánh nồng độ bụi và các chất ô nhiễm với QCVN) và chỉ số tổng hợp. Chỉ số chất lượng không khí AQI là một chỉ số tổng hợp đại diện cho nồng độ của một nhóm các chất ô nhiễm cơ bản trong không khí xung quanh. Trong đó, giá trị AQI được tính dựa trên kết quả quan trắc các thông số SO2, CO, O3 , NOx, PM10 tại các trạm quan trắc tự động, cố định liên tục. AQI của từng thông số được xác định bằng tỷ lệ giữa giá trị quan trắc được của thông số đó so với giá trị quy chuẩn cho phép tính theo phần trăm. Giá trị AQI tổng hợp là giá trị cao nhất trong các giá trị AQI của từng thông số và được đánh giá theo 5 thang (0 - 50; 51-100; 101-200; 201 - 300 và trên 300) tương ứng với 5 mức chất lượng không khí là tốt, trung bình, kém, xấu và nguy hại. Ngoài các phương pháp trên, phương pháp mô hình hóa cũng được sử dụng phổ biến trong đánh giá và dự báo chất lượng không khí ở Hà Nội. Trong các yếu tố gây ô nhiễm không khí ở Hà Nội, bụi lơ lửng được xem là yếu tố gây ô nhiễm nhất . Ô nhiễm bụi ở các đô thị được phản ánh thông qua các thông số như bụi lơ lửng tổng số TSP, bụi PM10 và bụi mịn (PM2,5 và PM1). Theo các số liệu quan trắc về chất lượng môi trường không khí ở Hà Nội trong nhiều năm, nhìn chung môi trường không khí ở thủ đô bị ô nhiễm nặng về bụi TSP và bụi PM10. Nồng độ bụi lơ lửng ở các quận nội thành đều vượt quá quy chuẩn về chất lượng không khí xung quanh, chưa có dấu hiệu giảm. Số liệu thống kê trong giai đoạn 2011 - 2015 cho thấy ô nhiễm bụi tại Hà Nội vẫn ở mức cao, số ngày có giá trị AQI không đảm bảo ngưỡng khuyến cáo với sức khỏe cộng đồng do nồng độ bụi PM10 vượt QCVN chiếm tỉ lệ lớn. Diễn biến nồng độ bụi trong không khí thay đổi theo quy luật trong ngày, thể hiện rõ nhất tại các khu vực gần trục giao thông. Nồng độ bụi tăng cao vào các giờ cao điểm giao thông, giảm xuống thấp nhất vào giữa trưa và đêm. Ngoài ô nhiễm bụi, ô nhiễm các khí độc hại khác như SO2, NO2, CO, Pb, CxHy chủ yếu chỉ mang tính cục bộ, xảy ra ở các nút giao thông lớn hoặc bên cạnh các cơ sở sản xuất có đốt than, dầu 

1. Nguồn ô nhiễm không khí từ hoạt động công nghiệp

Công nghiệp cũ (được xây dựng trước năm 1975) đều là công nghiệp vừa và nhỏ, công nghệ sản xuất lạc hậu, một số cơ sở sản xuất có thiết bị lọc bụi, hầu như chưa có thiết bị xử lý khí thải độc hại. Nói chung, công nghiệp cũ không đạt tiêu chuẩn về chất lượng môi trường. Công nghiệp cũ lại rất phân tán, do quá trình đô thị hoá, phạm vi thành phố ngày càng mở rộng nên hiện nay phần lớn công nghiệp cũ này nằm trong nội thành của nhiều thành phố. Ví dụ ở thành phố Hà Nội có khoảng 200 xí nghiệp trong tổng số khoảng 300 cơ sở công nghiệp nằm trong nội thành. Trong các năm gần đây nguồn ô nhiễm từ hoạt động công nghiệp nằm trong nội thành có phần giảm bớt do thành phố đã tích cực  thực hiện chỉ thị xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng nằm xen kẽ trong các khu dân cư. Thành phố đã đầu tư xây dựng kỹ thuật hạ tầng 10 cụm công nghiệp nhỏ ở các huyện ngoại thành với tổng diện tích đất quy hoạch 2.573ha để khuyến khích các xí nghiệp cũ ở trong nội thành di dời ra các cụm công nghiệp đó. Đặc biệt, thành phố đã có chế độ thưởng tiến độ di chuyển sớm trong giai đoạn từ 2003 - 2004, mức thưởng từ 10 triệu đến 500 triệu đồng/đơn vị sản xuất. Cho đến nay Hà Nội đã di chuyển được 10 cơ sở sản xuất gây ô nhiễm nặng ra ngoại thành như: Công ty Cổ phần Dệt 10/10, Công ty Thuỷ tinh Hà Nội, Công ty Giầy Thụy Khuê,... Hiện nay có 6 công ty đang di chuyển là Công ty Nhựa Hà Nội, Dệt kim Hà Nội, Xe đạp xe máy Đống Đa, Kỹ thuật điện thông, Dệt kim Thăng Long. Hoạt động công nghiệp gây ô nhiễm không khí còn từ các khu, cụm công nghiệp cũ, như các khu công nghiệp Từ Liêm, KCN Vĩnh Tuy, KCN Thạch Thất và một số nhà máy chưa được di dời  trong KCN Minh Khai trước đây,... Các chất ô nhiễm không khí chính do công nghiệp thải ra là bụi, khí SO2, NO2, CO, HF và một số hoá chất khác.

Hà Nội có nhiều làng nghề. Ô nhiễm môi trường không khí ở nhiều làng nghề đã tới mức báo độn. Một số làng nghề thuộc các tỉnh ven Hà nội cũng gây ô nhiễm cho thành phố

2. Nguồn ô nhiễm không khí do hoạt động giao thông vận tải

Cùng với quá trình công nghiệp hoá và đô thị hoá, phương tiện giao thông cơ giới ở nước ta tăng lên rất nhanh, đặc biệt là ở các đô thị. Trước năm 1980 khoảng 80 - 90% dân đô thị đi lại bằng xe đạp, ngày nay, ngược lại khoảng 80% dân đô thị đi lại bằng xe máy, xe ôtô con. Nguồn thải từ giao thông vận tải đã trở thành một nguồn gây ô nhiễm chính đối với môi trường không khí ở nội thành và cửa nõ ra vào thủ đô. Theo đánh giá của chuyên gia môi trường, ô nhiễm không khí ở đô thị do giao thông vận tải gây ra chiếm tỷ lệ khoảng 70%.

Theo số liệu của Phòng Cảnh sát giao thông Hà Nội, năm 1990 có 34.222 xe ôtô, năm 1995 có 60.231 xe, năm 2000 có 130.746 xe tham gia giao thông. Như vậy sau 10 năm số lượng ôtô ở Hà Nội tăng lên gần 4 lần. Về xe máy ở Hà Nội năm 1996 mới có khoảng 600.000 xe máy, năm 2001 gần 1 triệu, năm 2002 tăng tới hơn 1,3 triệu xe máy, bình quân khoảng 1 xe máy/2 người dân. Bình quân số lượng xe máy ở các đô thị nước ta mỗi năm tăng khoảng 15 - 18%, số lượng xe ôtô mỗi năm tăng khoảng 8 - 10%.

Tham gia giao thông vào giờ cao điểm ở khu vực nội thành, mỗi người đều có thể cảm nhận rất rõ về chất lượng không khí. Dưới cái nắng hè oi bức, hàng trăm, hàng nghìn xe máy, ô tô đứng chôn chân ở những giao lộ nhả khói vào người tham gia giao thông, không khí càng ngột ngạt hơn trên các con phố đang được bê tông hóa. Chị Nguyễn Thu Huyền, ở đường Thanh Bình, phường Mộ Lao (quận Hà Đông) cho biết rằng, ngày nào chị cũng phải đối mặt với cảnh ùn tắc giao thông trên đường Tố Hữu. Khói bụi, tiếng ồn từ xe máy, ô tô và những công trình xây dựng ngay lề đường chẳng khác gì tra tấn người đi đường. Để chống chọi với khói bụi và nắng nóng, chị Huyền cũng như nhiều người Hà Nội phải trang bị khẩu trang, kính, áo choàng chùm kín từ đầu tới chân...


Số liệu quan trắc ô nhiễm không khí và độ ồn do giao thông tại 30 điểm nút giao thông trọng điểm trên địa bàn thành phố của Sở Tài nguyên - Môi trường thực hiện quý I-2016 cho thấy, nồng độ CO (có độc tính cao với sức khỏe con người) tại 6/30 điểm nút giao thông vượt từ 1,1 đến 1,3 lần và nồng độ NO2 tại 17/30 điểm nút giao thông vượt từ 1,1 đến 1,5 lần so với Quy chuẩn Việt Nam (QCVN) 05:2013/BTNMT; nồng độ benzen tại tất cả 30 điểm nút giao thông vượt từ 1,1 đến 5,9 lần so với QCVN 06:2013/BTNMT, đặc biệt nồng độ benzen có tỷ lệ cao tập trung tại các bến xe. Về kết quả quan trắc bụi quý I-2016 tại 94 điểm quan trắc nồng độ bụi đều vượt từ 1,5 đến 6,1 lần so với QCVN 05:2013/BTNMT… 

Nhận định về chất lượng không khí ở khu vực Hà Nội, GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cho rằng: Môi trường không khí ở Hà Nội có 2 yếu tố đáng lo ngại nhất là ô nhiễm bụi nhỏ và hơi xăng dầu thải ra từ lượng phương tiện giao thông quá lớn và nhiều công trình đang xây dựng. "Ô nhiễm không khí khác với ô nhiễm nước, nó thay đổi nhanh theo thời gian và duy trì từ nơi này sang nơi khác theo chiều gió thổi hoặc có biến động theo thời tiết. Không khí ô nhiễm cũng không thể như nước bẩn thì xử lý, vi trùng, vi khuẩn đun nấu sẽ chết đi, vì vậy chỉ có bằng cách phát hiện ô nhiễm và giảm nguồn phát ra thì mới giảm được tác hại" - GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng phân tích.

Do số lượng xe máy tăng lên rất nhanh, không những làm tăng nhanh nguồn thải gây ô nhiễm không khí, mà còn gây ra tắc nghẽn giao thông ở nhiều đô thị lớn. Ở Hà Nội có khoảng 40 điểm thường xuyên bị ùn tắc giao thông, ở thành phố Hồ Chí Minh là 80 điểm. Khi tắc nghẽn giao thông, mức độ ô nhiễm hơi xăng dầu có thể tăng lên 4 - 5 lần so với lúc bình thường. Ở Việt Nam , khoảng 75% số lượng ôtô chạy bằng nhiên liệu xăng, 25% số lượng ôtô chạy bằng dầu DO, 100% xe máy chạy bằng xăng. Ô nhiễm khí CO và hơi xăng dầu (HC) thường xảy ra ở các nút giao thông lớn, như  ngã tư Cầu Giấy, ngã tư Kim Liên, ngã ba  Pháp Vân, ngã tư Nguyễn Trãi-Khuất Duy Tiến, ngã tư Phạm Hùng- Trần Duy Hưng, ngã tư Nguyễn Cơ Thạch- Trường Chinh, ngã tư  Nguyễn Chí Thanh-Nguyễn Thái Học, ngã tư Cửa Nam, bung binh cầu Chương Dương, ngã tư Cầu Chui....

3. Nguồn ô nhiễm không khí do hoạt động xây dựng

Ở Hà Nội hiện nay hoạt động xây dựng nhà cửa, đường sá, cầu cống,... rất mạnh và diễn ra ở khắp nơi, kể cả trong nội đô. Các hoạt động xây dựng như đào lấp đất, đập phá công trình cũ, vật liệu xây dựng bị rơi vãi trong quá trình vận chuyển, thường gây ô nhiễm bụi rất trầm trọng đối với môi trường không khí xung quanh, đặc biệt là ô nhiễm bụi, nồng độ bụi trong không khí ở các nơi có hoạt động xây dựng vượt trị số tiêu chuẩn cho phép tới 10 - 20 lần.

Tham gia "đầu độc" bầu không khí ở Hà Nội còn có xe tải chở vật liệu xây dựng quá tải, không được che chắn, đường gia thông hư hỏng, mỗi lần xe qua là quất bụi bay mù mịt.

MẠNG LƯỚI QUAN TRẮC KHÔNG KHÍ TỰ ĐỘNG TẠI HÀ NỘI

Khoảng thời gian từ 1998-2011, Cục Môi trường (nay là Tổng Cục Môi trường) phối hợp với thành phố Hà nội lắp đặt 5 trạm quan trắc không khí tự động như ở Đại học Xây dựng, Đại học Khoa học Tự nhiên, Trung tâm Công nghệ môi trường của Bộ Tư lệnh Hóa học, Trung tâm quan trắc môi trường tại đường Phạm Văn Đồng. Hiện nay các trạm này đã ngừng hoạt động. Trung tâm Khí tượng Thủy văn cũng tiến hành lắp đặt một trạm quan trắc tự động tại vườn khí tượng Pháo đài Láng.

Các trạm quan trắc tự động do Cục Môi trường lắp tại Hà Nội trước đây không được cấp kinh phí vận hành bảo trì, bảo dưỡng nên đã hư hỏng ngừng hoạt động.

Mới đây, năm 2013 Tổng cục Môi trường cũng đã lắp thêm một trạm mới tại khuôn viên của Trung tâm quan trắc môi trường đường Nguyễn Văn Cừ.

Vừa qua Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã hoàn thành lắp đặt, đưa vào vận hành 2 trạm quan trắc tự động cố định đặt tại UBND phường Minh Khai, Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội.

Nhìn chung các trạm lắp đặt từ trước tới nay đều mang tính lẻ tẻ, không có quy hoạch tổng thể, số liệu không được liên kết với nhau. Mặt khác các trạm quan trắc hiện có kể cả trạm quan trắc của Tổng Cục Môi trường đặt tại đường Nguyễn Văn cừ vẫn sử dụng công nghệ cũ to lớn, cồng kềnh (loại đặt trong container 20’’) nên không thể đặt ngoài đường mà phải đưa vào trong khuôn viên nhà cơ quan, hoặc đưa lên nóc nhà cao tầng. Khi đó các trạm quan trắc tự động này không phản ảnh được hiện trạnh ô nhiễm giao thông đô thị  của thành phố Hà Nội do bụi và chất ô nhiễm không phán tán lên cao và bị địa hình che chắn thậm chí không đo được khi trạm quan trắc nằm trong vườn, sau tòa nhà và nằm đầu hướng gió so với trục đường giao thông.

Để đánh giá đầy đủ hiện trạng ô nhiễm môi trường không khí khu vực cửa ngõ và nội đô thành phố Hà Nội chúng ta phải thiết kế mạng lưới quan trắc như thế nào, chúng tôi xin đề xuất như sau:

Như đã phân tích ở trên, ô nhiễm môi trường không khí khu vực nội đô thành phố Hà Nôi chủ yếu là ô nhiễm do các phương tiện giao thông nên các trạm quan trắc ô nhiễm môi trường không khí phải được lắp đặt tại các điểm nóng ô nhiễm có nghĩa là trạm phải đặt chính giữa các ngã tư hay ùn tắc giao thông, dọc các trục giao thông có mật độ giao thông cao, trong đường hầm có nguy cơ ùn tắc giao thông...

Cụ thể trong giai đoạn 1 mạng lưới này gồm có các trạm được lắp đặt tại các vị trí như sau:

  1. Ngã ba Pháp Vân-Bến xe nước ngầm
  2. Ngã tư Nguyễn Trãi-Khuất Duy Tiến
  3. Ngã tư Khuất Duy Tiến-Lê Văn Lương
  4. Ngã tư Phạm Hùng-Trần Duy Hưng
  5. Bến xe Mỹ Đình
  6. Ngã tư Xuân Thủy-Phạm Hùng
  7. Ngã ba Phạm Văn Đồng-Hoàng Quốc Việt
  8. Bến xe Nam Thăng Long
  9. Ngã tư Cầu Giấy
  10. Ngã tư Nguyễn Chí Thanh-Nguyễn Thái Học (Dadewoo)
  11. Ngã tư Cửa Nam
  12. Ngã tư đường Thanh Niên-Nghi Tàm
  13. Bến xe Long Biên
  14. Bùng Binh cầu Chương Dương
  15. Ngã ba Trần Khát Chân-Nguyễn Khoái
  16. Trục giao thông đường Tam Trinh
  17. Đường Lĩnh Nam, trước cổng khu CN Vĩnh Tuy
  18. Bến xe Giáp Bát
  19. Ngã tư Kim Liên-Giải Phóng
  20. Hầm Kim Liên
  21. Ngã sáu Xã Đàn-Nguyễn Lương Bằng (ô Chợ Dừa)
  22. Ngã tư Tôn Thất Tùng-Trường Chinh
  23. Bùng binh Cầu Chui
  24. Khu vực Lăng Bác-trước nhà Quốc Hội
  25. Khu vực Hồ Hoàn Kiếm
  26. Chân cầu Vĩnh Tuy-trước cổng Time City

 

Muốn lắp được các trạm này giữa ngã tư hoặc trên trục giao thông không thể sử dụng các trạm quan trắc nằm trong các container như trước đây mà phải lắp đặt các trạm quan trắc tự động Airpointer của hãng RECODUM như Bangkok đã lắp đặt năm 2016 (56 trạm, http://bangkokairquality.com). Các trạm này nhỏ gọn, tiêu hao điện năng ít (500W)  được treo trên cột điện bên đường, giữa ngã tư, trên nóc nhà chờ xe buýt, vách hầm.... Số liệu truyền về trung tâm bằng 3G. Trung tâm tiếp nhận số liệu xử lý và chuyển thành bản đồ GIS thể hiện các gam màu chỉ số ô nhiễm không khí (AQI)  để đưa lên các màn hình công cộng và lưu trữ để cơ quan quản lý có các giải pháp thích hợp giảm thiểu tình trạng ô nhiễm.

 Thông số quan trắc: O3, CO, SO2, NOx, VOC, Bụi tổng, PM10, PM2.5, ồn, BTX

Bên cạnh lắp đặt trạm quan trắc tự động cần xây dựng trung tâm xử lý số liệu và bản đồ GIS, các màn hình công cộng cỡ lớn đặt tại một số địa điểm chính để cộng đồng theo dõi trên cơ sở các hạ tầng của Sở Tài Nguên và Môi trường Hà Nội đang có.

Nhà phân phối tại Việt Nam: Cty Khoa học công nghệ và Bảo vệ môi trường (STEPRO)

Địa chỉ: 2/8 Tây sơn, Đống Đa, Hà Nội.

Website: www.stepro.com.vn, www.tramquantrac.com

Tel. 0915.668.418 hoặc 0919.668.415

Hình ảnh trạm quan trắc RECORDUM:

 

Lắp tại nhà chờ xe buýt

Lắp dọc trục đường giao thông

 Lắp đặt trong đường hầm

TS. Nguyễn Quốc Tuấn

Viện Nghiên cứu Ứng phó biến đổi khí hậu và môi trường (RICCCE)

 emial: riccce.org@gmail.com

@ Bản quyền thuộc về Công ty TNHH Khoa học Công nghệ và Bảo vệ môi trường

Thiết kế bởi công ty Enuy Việt Nam

Hỗ trợ trực tuyến